Hôm nay, 13.07.2023, tròn một năm mình rời công ty cũ sau bảy năm làm việc – học hỏi – và gắn bó.
Bảy năm với nhiều người là khoảng thời gian không quá dài, nhưng với mình đó là cả thanh xuân và cả những bài học không bao giờ quên.
Thay đổi công việc với nhiều người không phải là quyết định dễ dàng, với mình cũng vậy.
- Từ bỏ công việc hiện tại có phải là dấu hiệu của sự “thất bại” hay “trốn chạy” không?
- Có phải mình đang “phản bội” đồng nghiệp và sếp mình không?
- Liệu cỏ-bên-kia-đồi có thực sự xanh như mình nghĩ?
- Nghĩ việc rồi có cơ hội nào để mình có thể quay lại công ty cũ không?
- Chuyện gì sẽ xảy ra nếu công việc mới không ổn?
Sau đây là một số điều mình quan sát, trải nghiệm và học được khi lần đầu chuyển việc:
A. Khi nào thì nên chuyển việc?
1. Khi không được khuyến khích hoặc còn động lực để phát triển
Trong luyện tập thể lực, khi bạn đẩy tạ ở một mức mới, cơ bắp sẽ cảm thấy đau nhức, nhưng việc đau nhức này là dấu hiệu của việc các thớ cơ đang được tác động để phát triển. Đến lúc thuần thục, thì việc đẩy cùng mức tạ đó không còn giúp cơ bạn phát triển nữa. Trong công việc cũng vậy, việc lặp đi lặp lại các công việc đôi khi là nguyên nhân làm mất động lực và động cơ để phát triển. Dĩ nhiên, mình luôn nghĩ là nên bắt đầu thay đổi từ chính những việc nhỏ trong công việc hàng ngày trước khi đi đến quyết định lớn hơn – chuyển việc. Một khi bạn đã cố gắng, đã chia sẻ với quản lý về vấn đề của mình, nhưng vẫn không giải quyết thì chuyển việc nên được cân nhắc.
2. Khi cơ thể lên tiếng, cả về thể chất lẫn tinh thần
Mỗi sáng thức dậy bạn có cảm thấy đầy hứng khởi và háo hức để đi đến chỗ làm không?
Mỗi giờ tan làm, bạn có đứng dậy đúng giờ và tận hưởng thời gian cá nhân của mình không?
Bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, uể oải khi làm việc?
Dừng lại, đừng ngược đãi bản thân nữa, cuộc đời bạn là của bạn!
3. Khi môi trường làm việc của bạn không còn lành mạnh
Bạn cảm thấy môi trường độc hại (toxic), ngồi lê đôi mách (gossip),…
Bạn thấy mình bằng cách vô thức, suy nghĩ và hành động giống như những đồng nghiệp bạn vốn dĩ không đồng tình với cách cư xử của họ.
4. Khi định hướng của công ty không còn phù hợp với giá trị cốt lõi của bạn
Nếu công ty không phải của bố mẹ bạn để lại, thì tin mình đi, đừng cố thay đổi môi trường, văn hoá của bất kì công ty nào. Khi bạn thấy rõ định hướng của công ty không còn phù hợp vơi giá trị cốt lõi của bản thân, thì cũng là lúc bạn nên tìm một môi trường mới.
5. Vị trí đang làm không phải là công việc bạn mong muốn
Chuyển việc không phải lúc nào cũng vì những điều “tiêu cực” của công ty cũ, mà đơn giản công việc hiện tại không phải là công việc mơ ước của bạn. Ví dụ, bạn mong muốn trở thành Chuyên viên Tiếp thị (Marketeer) trong ngành dược, nhưng công việc hiện tại là Chuyên viên Thông tin Y khoa (medical science liaison – MSL), nếu có cơ hội thử sức với công việc marketing. Tại sao không?
B. Những ưu điểm khi chuyển việc
1. Có thu nhập tốt hơn
Không phải lúc nào chuyển việc cũng “thơm” như bạn nghĩ, nhưng rõ ràng là khi chuyển việc là lúc bạn “định giá” mình trên thị trường lao động, và là cơ hội tăng lương đáng kể. Trong 3 năm trở lại đây, mức tăng lương trung bình của ngành dược Việt Nam vào khoảng 5%. Cho rằng bạn có thành tích tốt, thì mức tăng có thể lên đến 10%. Trong khi đó việc thay đổi công ty, mức tăng lương dao động từ 18-20%.
2. Không bị định kiến ràng buộc
Mỗi người đi làm với động lực và mục tiêu khác nhau, một số người vì lương, một số khác vì cơ hội phát triển bản thân. Ở môi trường mới, bạn sẽ không bị dán nhãn (labeling), hay bị định kiến làm hạn chế khả năng và tiềm lực của bạn. Bạn chưa từng làm người dẫn chương trình, không có nghĩa bạn sẽ-không-bao-giờ làm được.
3. Có thêm nhiều góc nhìn
Mỗi công ty sẽ có những định hướng khác nhau, cách đánh giá thị trường và vấn đề không phải lúc nào cũng giống nhau. Việc thay đổi góc nhìn cũng giúp bạn phát triển hơn tư duy phản biện (critical thinking) cũng như thử thách suy nghĩ lối mòn.
4. Có thêm nhiều mối quan hệ
Việc gặp gỡ thêm nhiều đồng nghiệp mới cũng giúp mình mở rộng thêm mối quan hệ. Số lượng mối quan hệ nhiều không đồng nghĩa với chất lượng mối quan hệ sẽ tăng lên, nhưng rõ ràng, việc có thêm các mối quan hệ trong môi trường làm việc cũng giúp bạn có thêm nhiều cơ hội trong công việc, cũng như học cách tiếp cận phù hợp với từng tính cách đồng nghiệp khác nhau.
C. Những lưu ý khi chuyển việc
1. Shock văn hoá
Đặc biệt với các bạn làm lâu năm trong một môi trường, việc hoà nhập và tiếp nhận văn hoá mới cũng là vấn đề phải đối mặt. Văn hoá giao tiếp, cách tiếp cận vấn đề, cách giải quyết vấn đề trong cuộc họp, hay đơn giản như văn hoá viết email đôi khi cũng làm cho bạn bị “sang chấn”. Với những trường hợp này, theo mình nên cởi mở, và với mình, “người mới” luôn là lợi thế. Lợi thế vì mình có đăc quyền “được không biết”, hãy tận dụng nó, vì mỗi người chỉ có 1 lần trong đời với một công ty. Hãy tập đối thoại cách cởi mở, cầu thị, và giúp đồng nghiệp biết rằng bạn là người mới trong công ty, và bạn mong muốn được hiểu và hoà nhập.
2. Cảm giác so sánh
Ít nhất là trong những tuần, những tháng đầu, chắc chắn bạn sẽ không khỏi so sánh với môi trường cũ. “Hồi ở cty XYZ, chúng mình chẳng bao giờ….”, “Ở ZYZ… tụi mình thường…” Những cách so sánh này chỉ giúp mình khó hoà nhập hơn ở môi trường mới mà thôi. Hãy cho mình cơ hội được học thêm cái mới, hãy học với tâm thế quan sát và tự đánh giá. Chuyển việc là cơ hội để bạn học cách thích nghi, rèn luyện tính nhanh nhạy của bản thân. Hãy tiếp nhận với tâm thế cởi mở và học hỏi.
3. Hiểu luật chơi mới
Mỗi sân chơi có một luật chơi riêng, bạn là người chơi giỏi ở cty cũ, không có nghĩa cũng sẽ như vậy ở cty mới. Và ngược lại.
Mỗi cty có một tiêu chí đánh giá riêng, định nghĩa về khung năng lực khác nhau, do đó việc hiểu đúng luật chơi và kì vọng của sếp mới và cty mới sẽ giúp bạn dễ dàng làm việc và phát triển tốt hơn.
Cuộc đời vốn dĩ là một chuỗi của những sự lựa chọn, không có quyết định đúng hay sai, chỉ có quyết định phù hợp tại thời điểm đó hay không mà thôi. Cuộc đời nằm trong tay mỗi người, một khi đã chọn thì mình sẽ chiụ trách nhiệm, vậy nhé!
—-
Thông tin trên bài viết chỉ là những chia sẻ dựa trên cảm nhận và trải nghiệm và hiểu biết của cá nhân, không đại diện cho bất kì tổ chức nào. Nếu bạn có đăng lại bài, vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của blog nhé.
Bài viết hay quá Na. Cá nhân em đổi việc nhiều nên cảm nhận rõ những gì được viết trong bài. Hóng các bài tiếp theo 😉
Cảm ơn Huy. Một chút chia sẻ từ góc nhìn của người mới-lần-đầu-đổi-việc hy vọng sẽ giúp ích được ít nhiều cho những bạn còn đang lăn tăn 🙂
Wow! Mình cũng nghỉ việc. Đọc bài này mình có cảm giác khởi nghiệp hơn. Cám ơn bạn!
Rồi đến khi chuyển việc làm niềm vui 😉
Cuộc đời vốn dĩ là hành trình sống vui, nên làm gì mình thấy VUI là được Chị Nhi nhỉ 🙂
Chúc Chị luôn vui nhen 😉