Sau bài viết về “Nghỉ việc – liệu có nên?”, một số bạn gợi ý cho mình một số chủ đề để chia sẻ, một trong số đó là có nên đi du học không, đặc biệt là du học sau khi đã đi làm, được gì, mất gì?
Thậm chí một số bạn đã tính đi du học cách đây 2-3 năm, và đến giờ gặp, lại vẫn câu hỏi cũ, “chị ơi, em có nên đi du học không chị?”
Khổ quá, cái gì cũng có được và mất, lăn tăn thì lấy giấy bút ghi xuống, cộng và điểm trừ, rồi cứ thế mà làm tới thôi. Nghĩ hoài, rồi đến khi nào mới làm.
Vẫn câu nói cũ, không có quyết định đúng hay sai, chỉ có quyết định phù hợp tại thời điểm đó hay không mà thôi.
Ở góc độ một người đã đi làm sau đó quyết định tiếp tục theo đuổi con đường dùi mài kinh sử ở xứ người, mình được gì và mất gì?
A. Cái giá phải trả của việc đi du học
1. Mất tiền, nhưng tiền không phải là tất cả.
Đi học thì phải tốn tiền rồi, nhất là sau khi đã đi làm vài năm, thì việc “tự lực cánh sinh” là tất yếu. Ngoài học phí, sinh hoạt phí, thì du-lịch-phí cũng tốn kém không ít. Nhưng bù lại, chi phí do chính mình phải trả, mình sẽ học với một tâm thế hoàn toàn khác, tiền đóng bằng mồ hôi nước mắt thì sẽ học cho đáng từng đồng mình bỏ ra.
Một số tip để hạn chế gánh nặng tài chính, bạn có thể tham khảo như:
- Với các bạn đã đi làm được vài năm, ngoài số tiền tích luỹ, mình có có một nguồn tích luỹ khác – trợ cấp thất nghiệp.
Mức lương bảo hiểm thất nghiệp = 60% trung bình mức lương của 6 tháng gần nhất, và nếu bạn đóng bảo hiểm thất nghiệp tại Sài Gòn/ Hà Nội, mức trợ cấp thất nghiệp tối đa lên đến 23,400,000 VNĐ/ tháng. Cụ thể nhận được bao nhiêu tháng tuỳ theo số năm đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Đọc thêm ở đây nè: https://baohiemxahoidientu.vn/bhxh/dieu-kien-va-muc-huong-bao-hiem-that-nghiep.html
- Hoặc có thêm một nguồn thu nhập thụ động trong quá trình đi học sẽ giúp bạn đỡ sốt ruột hơn khi thấy “kho tiền tích luỹ” vơi dần. Một số bạn của mình chọn cách đầu tư chứng khoán, số khác hợp tác kinh doanh, hoặc làm freelance cho một số cty từ xa, và thậm chí làm thêm một số công việc ngay tại đất nước mình du học cũng là một lựa chọn không hề tồi.
- Ngoài ra nếu bạn đi học ở Pháp, sinh viên dưới 26 tuổi sẽ được kha khá đặc quyền của người trẻ tuổi, gọi là Offre Jeunes, như giảm lên đến 50% chi phí cho các phương tiện công cộng (TGV – Train à Grande Vitesse hay “high-speed train”), vé vào cổng viện bảo tàng, được hỗ trợ chi phí sinh hoạt, hay tiền thuê nhà. Đó cũng là một cách tiết kiệm tiền.
Tiền mất đi rồi vẫn còn có thể kiếm lại, trải nghiệm và tuổi trẻ mới là vô giá.
2. Mất cơ hội thăng tiến nghề nghiệp tại thời điểm đó
Khi con đường quan lộ đang thênh thang, bạn thuộc trong nhóm tài năng trẻ (talent pool) của công ty thì sao? Đi học có ổn không?
Không biết, mình không biết!
Nhưng có một điều chắc chắn là bạn sẽ không có bất kì sự thăng tiến nào trong công việc trong GIAI ĐOẠN ĐI DU HỌC, là giai đoạn đi du học, chứ không có nghĩa là cả đời sẽ không được thăng tiến.
Và bất kì lựa chọn nào cũng phải trả giá cho chi phí cơ hội. Ví dụ như cuối tuần, bạn quyết định đi nhậu nghĩa là bạn mất cơ hội để ở nhà xem phim chẳng hạn, và ngược lại.
Việc đi du học cũng vậy, bạn sẽ mất cơ hội thăng tiến ngay tại thời điểm đó, nhưng không có nghĩa là bạn sẽ mất HẾT cơ hội thăng tiến trong công việc. Và biết đâu được, sau khi đi học, cơ hội mới lại đến.
3. Thiếu hụt thông tin thị trường/ kinh nghiệm làm việc so với bạn bè
Một vài năm du học, nghĩa là bạn rời khỏi thị trường lao động, và có thể bị trễ nhịp thông tin về thị trường, về nhu cầu, vị trí, định hướng phát triển của các công ty trong ngành.
Với mình cách đơn giản nhất là hãy luôn “keep in touch” với anh chị, bạn bè, đồng nghiệp trong ngành, để luôn được cập nhật thông tin và xu hướng thị trường. Để khi “tái hoà nhập cộng đồng” hậu du học không bị bỡ ngỡ.
B. Đi một ngày đàng học một sàng dại, sàng đi sàng lại kiếm được chút khôn
Tự nhiên tốn một cục tiền, thời gian, công sức, cơ hội, thì dĩ nhiên cũng sẽ thu lượm được ít nhiều.
1. Chuyện ai cũng biết: kiến thức
Kiến thức muốn học thì ở đâu cũng học được, lúc nào cũng học được, không riêng gì đi du học.
Nhưng du học giúp mình được tiếp cận với những kiến thức không chỉ trong sách vở, trong trường đại học, mà còn là kiến thức xã hội, kiến thức từ những con người mình gặp trong hành trình đi du học.
2. Kĩ năng sống
Ở một môi trường hoàn toàn mới, kĩ năng sống sẽ trổi lên mạnh mẽ một cách phi thường. Có những bạn ở Việt Nam chưa một lần vào bếp, vậy mà khi đi du học lại trở thành master chef, biết cả cách tính toán chế độ ăn cho healthy.
Cách sinh tồn ở xứ người cũng là một nước đi để thấy mình trưởng thành hơn.
Việc gặp nhiều người ở nhiều lứa tuổi khác nhau, chủng tộc và văn hoá khác nhau, mình học cách sống tôn trọng, hoà hợp.
Luyện về cách thích nghi và hoà nhập và từng bước để trở thành công dân toàn cầu (global citizen)
3. Ngôn ngữ
Việc nói tiếng anh 24/7 là cơ hội vô cùng tốt để lên trình tiếng anh. Practice makes it perfect. Đỡ tốn 2.500 đô học tiếng anh ở trung tâm.
4. Thay đổi về cách nhìn nhận và đánh giá vấn đề
Idiots are everywhere. Ở đâu cũng có người khôn, ở đâu cũng có kẻ khùng kẻ điên.
Mình từng mang tâm lý tiểu nhược khi xuất phát điểm từ nước nhỏ bé, vị trí nhỏ bé. Nên hầu hết các cuộc họp với các đồng nghiệp quốc tế, mình thường mang tâm lý e dè, sợ sệt, thậm chí là không dám tranh biện. Nhưng việc đi học, giúp mình nhìn ra là ở đâu cũng có người giỏi kẻ dở, và Việt Nam mình không hề thua kém nước ngoài, có chăng là kĩ năng mềm, là tiếng Anh. Nhưng suy cho cùng, tiếng anh cũng chỉ để giao tiếp, miễn sao mình giao tiếp được, là được. Còn lại là ăn nhau ở tư duy, là cách phân tích và giải quyết vấn đề.
—-
Mình đi học khoảng 1 năm tại Pháp, nhìn lại hành trình này, mỗi ngày là một trải nghiệm mới, những bài học mới.
Hỏi mình bỏ 1 năm vậy đáng không? – Không, mình không bỏ, mình sống trọn vẹn 1 năm đó.
Nếu bây giờ có anh chị, bạn bè nào hỏi mình có nên đi du học không, mình sẽ không khuyên nữa, mà gửi link bài này cho đọc liền 🙂
Vậy đi ha, đời mình là của mình. Hãy sống một cuộc đời thiệt là đã đời, heng!
A special gift to my beloved bro, and you know who you are!
—-
Thông tin trên bài viết chỉ là những chia sẻ dựa trên cảm nhận và trải nghiệm và hiểu biết của cá nhân, không đại diện cho bất kì tổ chức nào. Nếu bạn có đăng lại bài, vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của blog nhé.
Cái năng lượng hay ho ni đang có cơ hội được toả ra rồi